Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2010

Cái đẹp Trong Ngôn Ngữ Trịnh Công Sơn

Cái đẹp Trong Ngôn Ngữ Trịnh Công Sơn

Có người gọi TCS là thi sĩ. Tôi không cho là như vậy. Ông có làm thơ và trong những câu nhạc của ông, ta nhặt được ý thơ và cả những câu thơ thật đẹp nữa.( Tôi còn nhớ có đọc ở đâu đó, khi được mời đề cử những bài thơ để tuyển chọn vào danh sách những bài thơ hay nhất của thế kỷ 20, một vị giáo sư nổi tiếng đã không ngần ngại đề cử ngay lời của bài "Đêm thấy ta là thác đổ". Sau đây, xin mời các bạn đọc thử 1 bài thơ tứ tuyệt của thi sĩ TCS rồi cho biết ý kiến nhé: "Chỗ em ngồi ngày xưa còn ấm lắm./ Anh gối lên và ngủ 1 giấc dài,/ Em có hiểu đời cho em là mộng./ Để anh về cứ tưởng một là hai" và đây là 2 câu lục bát: "Đường xa mỏng mộng vô thường./ Trái tim chợt tỉnh, tôi nhường nhịn tôi" trích từ "Chùm thơ vô đề" in trong tuyển tập thơ "Chút tình với thức" - Chú thích từ người post bài, LennyTruong).

Thế nhưng ông mãi mãi là nhạc sĩ, không phải là thi sĩ. (Cũng như ông có vẽ tranh, nhưng không phải là họa sĩ). Nếu ông chỉ làm thơ, tôi không chắc ông sẽ được bao nhiêu người biết tên. Không có ông, ta còn nhiều thi sĩ khác.

Nhưng chỉ có 1 TCS thôi. Tôi có đọc ít bài thơ của ông, có bài hay, nhưng vẫn không gây cho tôi ấn tượng nào rõ nét lắm, nghĩa là dưới mỗi bài thơ ông, không để lại dấu ấn đậm nét nào có khắc tên ông. Thế nhưng nhạc của ông thì đúng là nhạc TCS. Dường như chỉ khi ông viết lời nhạc, cái thi hứng mới trào ra, những lời ấy như hóa thành thơ và nhạc lẫn thơ bay lên. Người nghe đôi lúc khó phân biệt những câu dưới đây là nhạc hay thơ, là thơ hay nhạc, vì nhạc thơ, thơ nhạc quyện lẫn vào nhau: "Ta vẫn mong, ta chờ mãi trên từng ngày quạnh hiu./ Ta vẫn mong em về đây, cho đời bày cuộc vui..." (Rừng xưa đã khép). "Vườn năm xưa em đã đến, nay trăng quá vô vi./ Giọt sương khuya rụng xuống lá, như chân ai lần về..." (Nguyệt ca). "Ta nghe nghìn giọt lệ, rớt xuống thành hồ nước long lanh... (Như cánh vạc bay). "Những giọt mưa, những nụ hoa, hẹn hò gặp nhau trước sân nhà..." (Bốn mùa thay lá). "Sau lưng ngày con gái. Môi son đừng biếng lười. Cho ta còn mãi mãi. Chút mùi phấn hương bay..." (Yêu dấu tan theo). Lời TCS hay đến mức, ở 1 đôi bài, nhạc không bắt kịp lời. Gặp phải những bài như thế, tôi vẫn cứ tiếc, và đôi lúc nghĩ rằng, ông ghép nhạc vào lời hơn là ghép lời vào nhạc. Những "Nắng thủy tinh", "Như cánh vạc bay", "Ru ta ngậm ngùi", "Yêu dấu tan theo", "Nguyệt ca", "Đêm thấy ta là thác đổ"...là những bài thơ hơn là những bài nhạc. "Nắng thủy tinh" hoặc "Nhìn những mùa thu đi" chẳng hạn, là những bài đẹp cả về lời thơ lẫn ý nhạc. Những nốt nhạc mềm mại rót xuống ở cuối câu "đưa em về nắng vương nhè nhẹ..." nghe sao mà "nhè nhẹ" thế. Và tiếng hát Khánh Ly, Lệ Thu quấn quýt, đan quyện vào nhau đã luôn luôn là những tiếng hát của 1 mùa nào lãng mạn, ru tôi trong chiếc nôi đời êm ái, nhìn những cụm mây mùa thu bay đi, bay đi.

Trong nhạc TCS, không phải chỉ có thơ, mà còn có cả tranh vẽ nữa. Và những bức tranh sinh động của ông cũng thể hiện qua những lời nhạc giàu hình ảnh, có khi chỉ là những nét ký họa, có khi là những bức tranh cảnh vật đầy màu sắc, có khi là những bức chân dung của..."Người về soi bóng mình, giữa tường trắng lặng câm..." hoặc những tranh tĩnh vật như "...thấy đời là những quán không, bàn im hơi bên ghế ngồi..." và còn có cả những bức vẽ trừu tượng nữa. Thử dạo qua 1 vòng phòng tranh TCS: "Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi. Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời..." (Nhớ mùa thu Hà Nội), "Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng. Trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me..." (Tuổi đời mênh mông), "Trong lòng phố, mưa đêm trói chân, dưới hiên nhìn nước dâng tràn, phố bỗng là dòng sông uốn quanh..." (Em còn nhớ hay em đã quên). Một vài bức tranh khác đòi hỏi cần có chút tưởng tượng: "Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô. Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa..." (Rừng xưa đã khép), "Dòng nước mắt sẽ bay trong trời, làm cơn mưa rớt trên chăn gối, lời cỏ cây hát trên da người..." (Hãy khóc đi em). Có rất nhiều những bức vẽ giàu hình ảnh và màu sắc như vậy. Cái đẹp, cái hay, có khi chỉ nằm ở 1 dòng chữ trong câu hát, như là chữ "suốt" trong những câu hát dưới đây chẳng hạn: "Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì..." (Một cõi đi về), "Gọi tên em mãi suốt cơn mê này..." (Hạ trắng), "Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy..." (Hạ trắng), "Hãy nghiêng đời xuống, nhìn suốt 1 mối tình..." (Để gió cuốn đi), "Lá hát như mưa suốt con đường đi..." (Em còn nhớ hay em đã quên), "Rọi suốt trăm năm 1 cõi đi về..." (Một cõi đi về). Chữ "suốt" ở câu trên hay đến vậy lại bị 1 số ca sĩ đổi thành "xuống" thì quả là "nỗi đau phiền muộn" cho những người yêu nhạc TCS. Hát sai 1 chữ, làm hỏng 1 câu nhạc, có khi cả 1 bài nhạc.

Có những bài nhạc, tôi chắc là TCS thích, vì vẫn nghe ông nhắc đến, nhưng lại ít có người hát, ít có người nghe. Có khi ông muốn nói nhiều quá, người nghe lại ít chịu nghe. Những bài hát được ông lồng vào những triết lý, những thiền vị chẳng hạn, dường như ít được thành công, hiểu theo nghĩa ít được phổ biến. Người nghe dễ đón nhận hơn, nếu chỉ 1 vài nét chấm phá và 1 chút thiền vị : "Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ..." (Ru em) hoặc "Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ..." (Mưa hồng). Cái đẹp còn ở những lời tả tình, tả cảnh về 1 quê hương, 1 nơi chốn thân quen trong mỗi trái tim người Việt: "Chiều trên quê hương tôi, có những chốn riêng cho mọi người, những con đường lứa đôi, những góc hè phố vui..." (Chiều trên quê hương tôi) hoặc " ...quê nhà đó năm xưa có em, có bóng dừa, có câu hò, có con đò chở mưa nắng đi..." (Em còn nhớ hay em đã quên).

Thật khó mà viết được những lời đẹp đến vậy, nếu không có trái tim nặng trĩu tình yêu quê hương. "TCS đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của 1 đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền..." Văn Cao đã viết về ông như vậy. "Đời gọi em biết bao lần", "Vì tôi cần thấy em yêu đời" và "Tuổi đời mênh mông" nữa...là những bài hát thể hiện cái đẹp của lòng nhân ái.

Ngôn ngữ TCS quả đã làm giàu đẹp thêm cho kho tàng tiếng Việt hoặc ít ra có thể nói mà không sợ lầm, ông là người viết lời đẹp nhất cho những ca khúc. Những lời đó trước đây và cả về sau nữa, tôi tin vậy, chưa từng có ai viết và cũng không ai bắt chước, không ai làm giả được. Nếu có hàng mạo hóa, người nghe sẽ nhận ra ngay những TCS "giả". Như thế thì cái chết của ông, ít nhiều cũng gây nên những mất mát và thiệt thòi, ít ra là đối với những người có cái nhìn khách quan về những đóng góp của ông. Tất nhiên không phải mọi ca khúc TCS đều hay cả. Có 1 số những bài hay, 1 số những bài trung bình, có bài chỉ nhặt ra được 1 câu, 2 câu, có bài không được kể là nhạc, vì không bắt nguồn từ 1 cảm xúc nào hoặc được làm theo "đơn đặt hàng" như bài hát về công trình xây đắp thủy điện Trị An: "Dòng điện như dòng sông, cho đời 1 tấm lòng..." chẳng hạn. Cũng nói đến dòng sông, cũng nói về tấm lòng, nhưng người nghe thấy gượng ép, giả tạo. những bài hát ấy không tồn tại được, không được ai hát. Chúng biến mất ngay khi vừa mới ra đời và không được người đời nhắc tên.

Nghe nhạc TCS, giống như là nhấm nháp từng ngụm cà phê hay từng ngụm trà nhỏ. Từng ngụm nhỏ thôi, để nghe được cái hương vị đậm đà chầm chậm, từ từ thấm vào đầu lưỡi. Nghe nhạc TCS là phải nghe trong những lúc thư thả, không bận rộn, nghe "không cần vội vã", nghe với "trái tim thật thà", để nghe được từng câu, từng chữ, từng lời nhạc khe khẽ, nhẹ nhàng, len lỏi, luồn lách vào mọi ngóc ngách trong cơ thể, thấm vào từng mạch máu và chạm khẽ đến trái tim.

(Trích từ bài viết "Gió trời xin ngủ bình yên" của Lê Hữu).

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2010

Chiều Phố Biển

Chiều Phố Biển

Chiều phố biển em nghe tiếng buồn gọi
còi tàu xa chợt gợi nhớ niềm riêng
ngày hôm đó nơi cổng trường phượng nở
anh trao em cành hoa tím đoạn duyên

Chiều phố biển tiễn người đi năm ấy
dáng anh đi khuất giữa sóng bạc đầu
thuyền mây trôi...trôi mãi sông xa đó
em cứ ngỡ hình như chưa mất nhau

Chiều phố biển em vẫn ngồi nơi ấy
tóc mây ngàn xỏa nhẹ theo gió bay
trăng ngày cũ đã bạc bao mùa sóng
lá đã vàng chưa trên đồi cỏ may

Chiều phố biển giọt mưa rơi tí tách
từng chiều trôi đợi nhìn nắng về đâu
bên song khung cửa ánh đèn hiu hắt
em cứ ngỡ hình như chưa mất nhau

Chiều phố biển lẻ bước tình trên cát
mây trắng bay vướng lá bên kia đồi
giọt nắng rã rời nên thôi chẳng đợi
bãi cát buồn in lại dấu chân côi

Phượng Tím Ngày Xưa


Từ dạo người đi xa cách biệt
Lá sầu khô úa bóng chơ vơ
Gió lung linh động hồn lay nhẹ
Phượng tím ngày xưa vẫn đợi chờ

Từ lúc tóc thề thôi gió lộng
Trăng soi hết đẵm nét môi tươi
Đêm về giấc ngủ ru niềm nhớ
Ước mộng người xưa ánh nụ cười

Từ độ người xa muôn vạn nẻo
Trưa về nắng quái lấy ai che
Vườn xưa hoa rụng ngang đường cũ
Phảng phất dư hương kỷ niệm hè

Hoa tím ngày nao ai gửi lại
Trang thơ lưu bút nụ quỳnh hương
Trao nhau ngày cuối tình vương vấn
Nhớ bóng chiều xưa dưới mái trường

Quỳnh Hưong

Tình Xuân Thơm Dẻo Nếp Quê Hương

Tình Xuân Thơm Dẻo Nếp Quê Hương - Trần Huy Sao

Mai anh hẹn qua nhà em gói bánh
Mượn ngày Xuân để nhìn ngắm Nàng Xuân
Cha cứ hỏi, thăm dò, lời quanh quẩn
Anh xin thưa, qua gói bánh, vậy thôi !

Ý lòng anh thương cả chỗ em ngồi
Lá chuối xanh bọc trắng ngần hạt nếp
Tình yêu anh, thủy chung, là như thế
Một chỗ ngồi , thầm nhìn, liếc, gởi trao...

Em thẹn thùng , quấn vòng từng sợi lạt
Đường qnanh co, không ngay lối thẳng hàng
Đòn bánh Tết vô tình không chắc, nạc
Bởi tình em, sợi buộc riết, tình anh !

Cha nhìn, ngắm rồi chê từng đòn bánh
Vo không đều, không chắc, buộc không sâu
Chỉ có Mẹ, thoáng nụ cười, che dấu
Hiểu lòng em, Mẹ có nói gì đâu !

Mượn ngày Xuân gói bánh để gần nhau
Thương cái rét chiều xóm nghèo, cuối Chạp
Thương đôi tay riết đều từng sợi lạt
Và chỗ em ngồi , anh cũng thương luôn !

Giữ đời nhau thơm dẽo nếp quê hương
Bên bếp lửa đượm hương tình, chiều ấy !
Mỗi độ Xuân về cho anh tìm thấy
Dáng quê nhà, bình dị quá, ngày xưa!...

Dẫu bây giờ đời gội nắng dầm mưa
Đôi bàn tay đã nhăn đều nếp khổ
Sợi lạt tháng ngày rã rời trăm nỗi
Anh vẫn còn thương một chỗ em ngồi ...

TRẦN HUY SAO

“Lấy vợ” hay “đi tù” cũng thế cả thôi!

“Lấy vợ” hay “đi tù” cũng thế cả thôi!

Gửi ông!

Tôi vừa nhận được thiệp mời của ông cách đây 2 phút. Thế là tôi sắp toi vài lít, còn ông sắp toi cả cuộc đời...

Giờ này tôi có khuyên nhủ chắc cũng không nhằm nhò gì, bởi khi ông trao nhẫn cưới cho vợ ông cũng có nghĩa là vợ ông đã xỏ nhẫn cưới vào... mũi ông (Đấy, chúng ta luôn thua từ khi trọng tài thổi còi bắt đầu hiệp đấu).

Chỗ bạn bè, tôi muốn ông chuẩn bị tinh thần để hiểu hai từ khác âm nhưng đồng nghĩa: “lấy vợ” và “đi tù”.

Mụ vợ tôi (thư này dành riêng cho ông nên tôi gọi như vậy, nếu mụ ấy biết thì tôi từ án treo chuyển vào trại, từ 6 tháng chuyển sang chung thân, từ chung thân đến tử hình... mong ông giữ mồm, giữ miệng cho), mụ vợ ông và các mụ vợ trên đời tuy không cùng cha, cùng mẹ nhưng đều giống nhau bởi dòng máu chiếm hữu lúc nào cũng chảy rần rật.

Mụ ấy đổ đồng tình yêu và sự chiếm hữu. Cái thân xác này, mụ chiếm hữu đã đành, nhưng cái khoảng thời gian bé tí tẹo vênh ra vào giữa giờ ăn trưa cũng bị mụ kiểm soát chặt chẽ. Giờ trưa nghỉ ngơi tí chút, Yahoo Messenger phải vàng khè, thi thoảng mụ xì-pam một cái. Không thấy thì mụ gọi điện thoại, gọi bàn, di động, không được thì mụ gọi cho đồng nghiệp. Ông có tin không, 8 năm nay, chưa bao giờ tôi thoát khỏi tầm mắt mụ. Mụ gọi thế là yêu, là quan tâm, lo lắng...

Mỗi lần thông báo đi công tác là tôi phải lấy tinh thần, mở miệng như người có lỗi và y rằng mặt mụ dài như cái bơm. Mụ buồn vì không có chồng trong 2,3 ngày, còn tôi như mở cờ trong bụng vì không “bị” yêu thương, lo lắng ít nhất trong 48 giờ.

Mụ thuê ô-sin để trông con, còn mụ rảnh rang để... trông tôi.

Năm thì mười hoạ mụ mới cấp cho cái “quota” được đi bù khú với đám bạn... 10 năm không gặp. Mà đám bạn đó, ai, ở đâu, làm gì, điện thoại bi nhiêu... mụ đều lưu trong bộ nhớ phi thường mà đôi khi tôi nghĩ người trần không mấy ai có. Và suốt cái buổi nhậu hiếm hoi ấy mụ cứ réo rắt gọi. Nghe ồn ào thì mụ hỏi: “Tại sao ồn thế, có phải nhậu xong rồi rậm rật đi karaoke bàn tay vàng?”, im lặng thì mụ dán tai vào, rít lên: “Tại sao yên tĩnh, có phải rửng mỡ mò vào nhà nghỉ?”. Nếu đêm đó tôi mà về muộn thì quả là thảm kịch. Biết mình có lỗi, tôi rón rén bước vào nhà, vén màn thất kinh khi thấy mụ tóc tai dựng đứng, mắt thâm quầng, ngồi nhìn trừng trừng lên trần nhà (sau này tôi mới biết mụ quả là cao tay, mụ vẫn ngủ, ngáy ngon lành, nhưng khi nghe tiếng kẹt cửa, mụ ngồi phắt dậy, xõa cho tóc tai dựng ngược, quệt tí phấn mắt màu chì vào quanh mắt, rồi ngồi chờ chồng như thể từ kiếp trước). Cho dù, có mệt rã rời vì bia rượu, tôi vẫn cố gắng trả đủ bài vì đó là phép thử của mụ. Vậy mà sáng sau, chưa kịp hồi sức, đã nghe thấy tiếng mụ cha chả, xoong nồi xủng xoảng, mụ quát chó, chửi mèo, đánh con chí chóe...

Và tôi, cố lết tấm thân xác bèo nhèo - 8 năm trước còn lịch lãm, hào hoa nhất lớp (ông biết mà) - dắt xe ra khỏi cửa, đứa lớn ngồi sau, đứa bé ngồi trước (mà vẫn thò tay cấu nhau), khăn bịt mặt, nón trùm đầu, sữa, cặp sách... lôi thôi như dân tị nạn.

Than ôi, làm người đã khổ, làm chồng còn khổ hơn gấp bội!

Đôi khi (nhất là khi tôi nộp cho mụ một cục tiền), mụ cũng nới chút đỉnh cho tôi “thở”, nhưng cũng chỉ là “thở hắt”, nhất quyết không cho “thở dài”.

Về nhà, nếu tắt điện thoại thì mụ tra: “Sợ em nào gọi hay sao mà tắt”, nhưng cứ có điện thoại gọi đến là tôi giật mình thon thót. Không nghe cũng chết mà nghe thì con người mất hết văn minh, lịch sự. Tôi phải nói thật to, càng ông ổng càng tốt, càng thô bạo (mày, tao, ông, tôi) càng tốt, đi lại thật hoành tráng, vung chân, vung tay dù có khi đầu dây bên kia chỉ hỏi mỗi câu: tài liệu để đâu? Nếu tôi nói nhỏ thì mụ sẽ cho là có vấn đề, mụ sẽ khảo, sẽ tra cả đêm cho ra vấn đề... vì sao nói nhỏ.

Thực ra mụ (và các mụ) lo hơi thừa, thân thủ phi phàm như các mụ thì tôi (và chúng ta) là vỏ quýt chứ có là vỏ dừa mụ đâm cũng thủng.

Ông có biết, khi về nhà bộ mặt của lũ chúng ta phải thế nào các mụ mới hài lòng không? Câu hỏi không bao giờ có đáp án, bởi:

Nếu ông cáu gắt: Mụ cho là ông có bồ ruồng rẫy vợ con.
Ông vui vẻ: Mụ cho là ông có bồ nên phởn phơ, hứng chí.
Ông chu đáo: Mụ cho là ông có bồ nên thấy cắn rứt, hối hận.
Nói chung, trong mắt các mụ vợ tự cho mình là Sơ-lốc Hôm, kiểu gì ông cũng “phải” có bồ.

Mụ xấu cũng bảo tại chồng, già cũng bảo tại chồng (thời gian mụ dành để quản thúc đâu có chịu vào sa-lông làm đẹp bao giờ). Tuần rồi, xem chung kết hoa hậu, tôi toàn nhìn... ngón chân cái, thi thoảng mới dám liếc trộm mấy em. Triết lý cơm-phở luôn đóng đinh trong đầu mụ, mà mụ đâu có biết cơm có thể ăn cơm nguội hoặc chiên, chứ phở có ai ăn nguội hay chiên bao giờ. Cơm dù không ngon nhưng ngày nào người ta cũng có thể ăn, còn phở thì ai có thể xơi triền miên.

Nói chung, lấy vợ là đi tù, đó là chân lý (dù rằng ông vẫn một lòng yêu quản giáo). Ông cứ chuẩn bị tinh thần đi, cái gia đình lý tưởng mà ông mơ ước rồi sẽ thành cái cối xay 1 chức năng, xay hết mọi ước mơ trai trẻ thành món sinh tố bèo nhèo.

Hôm nay, tôi có hẳn 1h tự do, dĩ nhiên tôi phải nói dối mụ, phải huy động bạn đồng nghiệp, phải lạy lục em lễ tân để lỡ mụ có kiểm tra. Nhưng tôi mất 25 phút viết thư cho ông, còn 35 phút nữa tôi phải đi lai rai cốc bia với bạn bè trước khi... chui về lồng.
Giờ này năm sau, nếu ông quá bức xúc, cứ đến tôi, tôi chỉ cho ông cách khởi nghĩa mà không bị dìm vào bể máu.

Tôi đi đây. Không, tôi bắt đầu khởi nghĩa đây. Cũng phải chọn quán bia gần gần, vì còn cái đồng hồ công tơ mét nữa chứ...

Chào ông,
Mr. Lịch Lãm