Thời gian dần trôi, một phần ba thế kỷ đã qua, Hà Nội thay đổi từng ngày, nhưng hình ảnh những cột khói cuồn cuộn bốc lên vào buổi chiều Thu Hà Nội và những gương mặt rạng ngời vui tươi của những người nghệ sĩ mãi mãi không phai mờ trong kí ức của tôi...
"Dù có đi bốn phương trời
Lòng vẫn nhớ về Hà Nội...".
Đó là hai câu mở đầu của một bài hát viết về Hà Nội. ... Thực sự dù chúng ta đã ở hoặc đã qua Hà Nội, khi đi xa đều thấy lòng mình lưu luyến, bởi Hà Nội đẹp và có nhiều thứ để ta phải nhớ: Trung tâm thành phố có hồ Hoàn Kiếm với hàng liễu rủ, giữa hồ là một tháp rêu phong cổ kính, có đền Ngọc Sơn tĩnh mịch, linh thiêng, nối với đất liền là cầu Thê Húc, nghe tên đã thấy có chiều dài lịch sử… Mỗi khi Thu về làm ta lại nhớ tới cốm làng Vòng được gói trong chiếc lá sen và buộc bởi những sợi rơm mộc mạc nhưng rất Hà Nội. Những ngày cuối tuần, tôi lại thấy bồi hồi về một thời thiếu nữ, sau buổi tan trường một lũ con gái sống vô tư dạo bước đùa nghịch trên đường Cổ Ngư xưa. Nếu một đêm không ngủ, chúng ta sẽ nghĩ đến các chị lao công và những tiếng sột soạt của "chổi tre đêm hè quét rác", tiếng tầu điện leng keng vào buổi sáng ban mai và những tiếng rao đêm rất đặc trưng Hà Nội: xôi đêm, phở gánh, tẩm quất...
|
Những cái nhớ đấy là nhớ về Hà Nội của "một thời hoà bình", còn trong bài viết hôm nay tôi muốn kể lại những kỷ niệm về Hà Nội "một thời đạn bom". Một buổi tối cách đây vài năm, ngồi xem tivi Ba Lan, tôi đã thấy chị Jane Fonda, diễn viên điện ảnh Mỹ, thay mặt ban tổ chức trao giải Oscar cho nhà đạo diễn điện ảnh nổi tiếng của Ba Lan Andrzej Wajda. Tôi rất yêu quý chị, đó là một người phụ nữ tuyệt vời. Trong những ngày chiến tranh ác liệt, chị đã đến Việt Nam quê hương tôi để thể hiện ước nguyện Việt Nam được hoà bình. Hôm nay chị lại trao giải Oscar, đỉnh cao của nghệ thuật điện ảnh cho một người Ba Lan, đất nước mà tôi đã gắn bó hơn hai mươi năm.
Sau mấy năm đàm phán tại hội nghị Paris, tháng 4 năm 1972 Mỹ trở lại ném bom miền Bắc ác liệt hơn, với những máy bay hiện đại hơn (F111 và pháo đài bay B52) và tập trung chủ yếu vào các thành phố lớn. Chúng doạ đưa Hà Nội của chúng ta về thời đồ đá. Lúc này trong lòng nước Mỹ cũng có rất nhiều người dân yêu hoà bình, phản đối chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có nữ nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng Jane Fonda. Để thể hiện quyết tâm của mình, chị đã đến Việt Nam. Một buổi sáng mùa hè năm ấy, trong vườn hoa Giám, một số chị em nghệ sĩ của thủ đô đã tổ chức chào đón và gặp gỡ giao lưu cùng chị. Những điệu múa dân tộc, những làn điệu dân ca được đan quyện nhau rất tuyệt vời. Những chữ kí của các nghệ sĩ hai dân tộc được trao nhau đầy ý nghĩa. Đúng lúc đó tiếng còi báo động của thành phố đã ngân vang. Bọn giặc lái Mỹ, những đồng hương của chị, xuất hiện trên bầu trời Hà Nội. Tôi rời vườn hoa Giám trở lại cơ quan, vào vị trí chiến đấu của mình. Cả Hà Nội lao vào cuộc chiến: tiếng gầm rít của máy bay, tiếng nổ vang rền của tên lửa và súng cao xạ. Đứng bên cạnh khẩu pháo, tôi thấy mình chao đảo giữa tiếng hát và tiếng máy bay phản lực, giữa hoa và đạn, giữa bạn và thù. Lúc đó tôi đã phải thốt lên: "Ôi, sao mà kỳ lạ. Tôi vẫn chỉ là tôi, mà Mỹ lại hai người!...”. Rồi sau đó chị vượt Trường Sơn vào sâu trong trận tuyến, còn máy bay Mỹ hàng ngày vẫn thường xuyên đến "thăm" Hà Nội.
Có một trận đánh phá Hà Nội đã hằn sâu trong trí nhớ của tôi. Đó là vào một buổi chiều mùa Thu, trời Hà Nội vẫn còn nắng vàng rất đẹp, một tốp máy bay phản lực Mỹ đã xâm nhập bầu trời thủ đô và vừa vào tới nơi chúng đã ném bom xuống bệnh viện Bạch Mai và ga Hàng Cỏ. Đứng trên sân thượng của khu nhà cao tầng cách ga không xa, cùng trực chiến với tôi hôm đó có hai anh. Một người có nhà ở một con phố ngay cạnh ga Hàng Cỏ. Anh run lên, tôi hiểu rằng anh rất sợ, bởi trong cái mất chung có thể sẽ có cả những mất mát riêng. (Cũng may nhà anh không bị làm sao). Anh thứ hai đã nghiến răng nghiến lợi bắn hết luôn cả băng đạn. Còn tôi, hai mắt trân trân nhìn về phía trước, nhìn những cột lửa cháy rực, sau đó là những cột khói đen cứ cuồn cuộn theo gió bay lên, làm cả một vùng trời phía nam Hà Nội trở nên xám xịt. Một góc bệnh viện đã đổ nát, một mái của tháp nhà ga Hàng Cỏ đã bị phá huỷ. Tôi thấy xót xa, chính mắt mình đã nhìn thấy thủ đô của mình bị tàn phá. Rồi không hiểu sao tôi đã đạp xe về được tới nhà. Cả đường phố vắng lặng, khu phố tôi cũng nằm trong trọng điểm vì một bên là cầu Long Biên, một bên là nhà máy nước, nhà máy điện Yên Phụ. Hình ảnh những quả bom rơi ám ảnh mãi trong tôi. Tôi thực sự thấy thấm thía những mất mát do chiến tranh mang đến. Sự cô đơn đã đè nặng tâm hồn tôi. Cha tôi ở chiến trường miền Nam, anh tôi ở chiến trường miền Trung, mẹ tôi và các em ở nơi sơ tán. Chính trong sự cô đơn tôi đã quyết định hạnh phúc cho mình. Đám cưới trong chiến tranh, không pháo, không xe hoa, tiếp khách tại nhà, không xem tuổi, chẳng xem ngày, nhưng đó là một mối tình có sự đồng điệu về tính cách, sự hoà hợp giữa hai trái tim.
Nói tới năm 1972 ở Hà Nội là người ta nghĩ tới 12 ngày đêm đánh phá điên cuồng của Mỹ. Đó là những ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, là sự chiến đấu kiên cường của người Hà Nội. Mở đầu là chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi giữa làng hoa Ngọc Hà, rồi trận mưa bom ở bãi An Dương và trong đêm, khi tiếng chuông nhà thờ còn chưa dứt, bài thánh ca chào mừng chúa Jexu ra đời còn đang ngân vang thì cả Hà Nội rung chuyển: bom rơi, pháo nổ, phố Khâm Thiên vùi trong đổ nát và có biết bao nhiêu chiếc khăn tang đã được chít lên đầu.
Thời gian dần trôi, một phần ba thế kỷ đã qua, Hà Nội thay đổi từng ngày, nhưng hình ảnh những cột khói cuồn cuộn bốc lên vào buổi chiều Thu Hà Nội và những gương mặt rạng ngời vui tươi của những người nghệ sĩ mãi mãi không phai mờ trong kí ức của tôi.
Ngọc Thạch (Ba Lan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét