Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

iệt Nam đang đứng ở đâu: (NKYN trích đăng các điểm quan trọng của bài viết)

<< Đời con, đời cháu có đuổi kịp không trong khi hiện nay cha ông chưa dám nghĩ đến rút ngắn khoảng cách mà trước hết làm thế nào không để khoảng cách xa hơn nữa đã là một thử thách nghiệt ngã....Một dân tộc nhỏ mà đánh thắng hai đế quốc, trí tuệ phải lớn lắm, người tài phải đông lắm. Thế mà tại sao trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay, Việt Nam lại thua kém như vậy? >>

Hàn Quốc tài nguyên nghèo hơn ta, đất nước lại bị chia cắt, thường xuyên căng thẳng Bắc - Nam, đâu được ổn định và thuần nhất như ta, tại sao Hàn Quốc lại bỏ xa ta như vậy? Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ta là hơn 100 tỷ USD cũng chỉ bằng doanh số hai tập đoàn của Hàn Quốc. Phim ảnh Hàn Quốc hơn hẳn ta. Tại ASIAD Quảng Đông (Trung Quốc), Hàn Quốc đoạt mấy chục huy chương vàng, ta chỉ có một. Không chỉ Hàn Quốc mà Singapore, Thái Lan cũng bỏ xa ta.

Nhân dân ta hiểu rõ đất nước chưa thể theo kịp một số nước cùng khu vực, cố gắng vượt bực cũng phải một vài chục năm nữa, còn phải thu hẹp dần khoảng cách. Nhưng nỗi bức xúc ngày một lớn trong nhân dân ta là khoảng cách với một số nước cùng khu vực đã quá xa và với đà này còn xa đến đâu nữa. Đời con, đời cháu có đuổi kịp không trong khi hiện nay cha ông chưa dám nghĩ đến rút ngắn khoảng cách mà trước hết làm thế nào không để khoảng cách xa hơn nữa đã là một thử thách nghiệt ngã. Càng tụt hậu sức cạnh tranh càng yếu và đến mức nào đó sức trỗi dậy không còn nữa đành sa vào cái bẫy thu nhập trung bình như một số nước nghèo đã cam chịu. Tới lúc đó thì dù có quá khứ anh hùng oanh liệt một thời thì cũng đành chịu lệ thuộc, bị đối xử bất bình đẳng và bị sai khiến bởi các siêu cường.

Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1200 USD. Thế nhưng đằng sau thành quả đã đạt được lại là hàng loạt bất cập được tích tụ ngày càng lớn suốt quá trình dài chú trọng nhiều vào tốc độ tăng trưởng chưa coi trọng đúng mức hiệu quả và bền vững nên đến nay điều đó đã trở thành mối nguy cơ của nền kinh tế.

Đất nước độc lập và thống nhất đã 35 năm mà bước vào thập kỷ thứ hai (2011) của thế kỷ 21 vẫn tụt hậu trên nhiều phương diện: hiệu quả kinh tế quá thấp, năng suất lao động thấp, xuất khẩu thô với tỷ trọng lớn chỉ tạo ra giá trị gia tăng nhỏ, hiệu quả đầu tư ngày càng kém, mặt hàng công nghệ của ta hiện chỉ tương đương với Trung Quốc năm 1980, với Malaysia năm 1970, với Hàn Quốc năm 1960, với Nhật Bản năm 1920 công nghệ tiên tiến ta mới có 1 phần trăm.

Công nghiệp ôtô hơn 10 năm Nhà nước bảo hộ chưa có gì phát triển hơn vẫn chỉ là những xưởng lắp ráp cho các tập đoàn nước ngoài, nội địa hóa không đáng kể. Công nghiệp tàu thủy còn đang vực lên từ phá sản. Đầu tư nước ngoài cho nông nghiệp năm 2001 là 8%, đến năm 2009 còn 1% trong khi các doanh nghiệp ở nông thôn phải tự xoay sở trong suy thoái.

5 năm qua một số nước trong khu vực đã thay đổi hẳn về quan hệ ngoại thương, xuất hàng công nghiệp nhiều hơn hàng thô. Càng xuất hàng thô ở dạng tài nguyên càng làm giàu cho nước nhập tài nguyên, còn nước xuất thô chỉ nghèo đi. Thái Lan, Malaysia, Indonesia đang trở thành những nước xuất hàng công nghiệp. Chỉ có Việt Nam suốt 10 năm qua chủ yếu vẫn xuất nguyên liệu thô chiếm gần 90%, còn hàng công nghiệp có giá trị gia tăng ta mới xuất được hơn 10%.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc đến 60% vào tăng vốn đầu tư, tỷ lệ này của giai đoạn 1991 - 1995 chỉ có 29,8%, càng phụ thuộc vào tăng vốn đầu tư tăng trưởng càng bấp bênh. Nhịp độ tăng năng suất của công nghiệp chế biến liên tục sút giảm và hiện chỉ bằng 59% so với trung bình của cả nền kinh tế.

Hàn Quốc là một nước nông nghiệp cực nghèo như ta, chuyển sang sản xuất kinh doanh 30 năm sau đã là một cường quốc công nghiệp. Ôtô Hàn Quốc xuất vào Mỹ cạnh tranh ngang ngửa với ôtô Nhật. Năm 1986, Tập đoàn Hyundai dám bỏ số tiền 25 triệu USD thuê hẳn một công ty quảng cáo lớn của Mỹ để chuyên quảng cáo ôtô Hàn Quốc trên đất Mỹ. Công nghiệp tàu thủy của Hàn Quốc đứng đầu thế giới. Sự tự chủ kinh tế và năng lực cạnh tranh mạnh mẽ của Hàn Quốc dựa trên năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và hầu hết là doanh nghiệp tư nhân. Hàn Quốc có tập đoàn tư nhân, tập đoàn Nhà nước và tập đoàn đa sở hữu, tư nhân và nhà nước cùng làm chủ. Kỷ cương phép nước của Hàn Quốc rất nghiêm. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc chỉ mới bị nghi ngờ đã đưa con vào làm ngành ngoại giao không hợp pháp, ông đã phải từ chức. Gần đây xảy ra đấu pháo ở biên giới, Hàn Quốc bị thiệt hại về người, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tự thấy có trách nhiệm đã từ chức.

Kháng chiến 30 năm, thắng Pháp và thắng Mỹ, cả loài người ngưỡng mộ nhân dân ta, ngưỡng mộ Bác Hồ và Đảng vì đã lãnh đạo một dân tộc từ tay trắng, dám đánh Pháp khi vùng ra khỏi nạn đói chết 2 triệu người và đã đánh bại mọi danh tướng, nổi tiếng nhất của thế giới tư bản. Một dân tộc nhỏ mà đánh thắng hai đế quốc, trí tuệ phải lớn lắm, người tài phải đông lắm. Thế mà tại sao trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay, Việt Nam lại thua kém như vậy? Câu hỏi nhức nhối này luôn luôn được nêu lên và suy nghĩ chung của nhiều người về nỗi đau này, khá giống nhau: đất nước ta không thiếu người tài đức nhưng nhiều người chưa được trọng dụng trong khi khá nhiều người tài đức rất hạn chế lại giữ nhiều chức vụ chủ chốt trong các cơ quan Nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét