Tản mạn về Tết Việt và Tết Hàn
Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc Việt bắt đầu từ ngày 23 tháng 12 âm lịch, một tuần trước ngày mồng một Tết. Phải từ ngày này trở đi, người Việt mới thực sự bước vào không khí chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán, và tận sau mùng 5 tháng 1 âm mới quay trở lại nhịp sống thường ngày.
(Xuân 2010) -
Cây nêu và cái sàng
Sau khi Táo Quân về trời ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các phong tục tế lễ được tiếp tục tiến hành, trong đó đầu tiên phải kể đến phong tục dựng “cây nêu” giữa sân ở một số địa phương, với ý nghĩa trừ tà.
Hàn Quốc cũng có cùng phong tục này, qua việc treo sàng lên bức tường cạnh cánh cửa phòng, nhằm xua đuổi “Quỷ dạ quang” chuyên mò xuống hạ giới vào nhà con người đúng đêm ba mươi để ăn trộm giày dép. Người ta cho rằng ai bị quỷ lấy mất dép thì suốt cả năm đó sẽ gặp nhiều chuyện không may, thế nên hôm đó trước khi đi ngủ người ta thường giấu kỹ giày dép để không bị quỷ lấy mang đi. Và người Hàn Quốc cũng tin rằng nếu treo cái sàng lên trên tường cạnh cánh cửa thì Quỷ dạ quang sẽ mải đếm lỗ thủng trên đó mà quên mất việc ăn trộm giày.
Lễ tạ tổ tiên
Tết Nguyên đán của VN và Hàn Quốc đều xoay quanh trọng tâm là lễ tạ tổ tiên, ông bà. Song khác với ngày Tết ở Hàn Quốc, Tết Nguyên Đán VN bắt đầu với những nghi thức kính cẩn nhằm xá hết mọi tội lỗi của năm trước. Có thể thấy ngay một điều là số lần làm lễ cúng của người Việt nhiều hơn hẳn so với người Hàn Quốc, vì người Hàn chỉ làm lễ cúng đúng một lần. Còn người Việt Nam có Lễ tất niên chiều 30, Lễ giao thừa.
Sáng sớm ngày mồng một Tết, người Việt cũng dâng lễ cúng và đến chiều lại cúng một lần nữa. Ngày mồng ba Tết, theo phong tục người ta cũng cúng lễ cả buổi sáng và buổi chiều. Từ hôm đó đến ngày hóa vàng cuối cùng, người Việt còn cúng lễ nhiều lần trong ngày nhưng tùy vào từng gia đình có thể cúng đến ngày mồng 3 là sớm nhất, hoặc lâu hơn nữa đến ngày mồng 5 hay mồng 7 Tết. Ngày dâng lễ cúng cuối cùng trong dịp Tết Nguyên Đán được gọi là ngày lễ hóa vàng.
Nhiều khi, tôi tự hỏi không biết người Việt sẽ dâng lễ cúng tổng cộng bao nhiêu lần trong một dịp Tết Nguyên đán. Nhưng nhìn vào số lần cúng lễ như vậy có thể thấy được thái độ trang trọng của người Việt khi đón Tết Nguyên Đán, tựa hồ như không khí nghiêm trang đón chờ tia sáng đầu tiên buổi ban sơ vậy. Ngược lại, đặc trưng của ngày Tết Hàn Quốc là có nhiều trò chơi dân gian hơn Tết VN.
Khách xông nhà may mắn
Trong dịp Tết Nguyên Đán, người Việt cũng có nhiều phong tục thú vị, như tục “xông đất” sau thời điểm giao thừa. Đối với người Việt, nghi thức này quan trọng đến mức người ta còn chọn tìm và định trước người sẽ xông đất cho gia đình mình. Người Việt rất coi trọng và xem xét rất kỹ các yếu tố chọn lựa đối tượng bao gồm cả tuổi tác, nhân phẩm, công việc làm ăn buôn bán có phát đạt hay không rồi mới lựa chọn. Khách xông đất được tiếp đón giống như vị thần may mắn trong năm mới của gia đình chủ nhà.
Qua đêm giao thừa, đến sáng ngày mồng một Tết người Việt lại có một phong tục nữa. Đó là phong tục “xông nhà”, xem ai là vị khách đầu tiên đến thăm gia đình mình sáng mồng một. Vị khách này cũng được coi là vị thần mang lại may mắn trong cả năm của gia đình, vì thế nếu không phải là người được mời trước, người Việt thường tránh đến nhà bạn bè, làng xóm vào buổi sáng này. Bởi nếu như trong năm có bất cứ việc gì không tốt xảy đến với gia đình thì trách nhiệm thường hay được gán về mặt tâm linh cho vị khách xông nhà.
Phụ nữ cũng là đối tượng cần phải kiêng kỵ. Người Việt vẫn còn quan niệm rằng sau lễ giao thừa, nếu gặp người phụ nữ nào thì cả năm đó sẽ gặp xui xẻo. Người ta cũng tránh cãi cọ hoặc đánh nhau trong khoảng từ sáng mồng một đến hết mồng ba Tết. Mặc dù có lỡ uống rượu gây nên xích mích nhưng nếu không nghiêm trọng lắm thì người ta cũng sẽ dễ dàng bỏ qua cho nhau. Bởi người Việt có niềm tin rằng nếu gây gổ đánh lộn lẫn nhau trong những ngày này thì cả năm tới họ sẽ không có may mắn. Thế nên trong những ngày Tết, cho dù có đến ba bốn người cùng đi một chiếc xe máy vốn chỉ dành cho hai người thì cảnh sát giao thông cũng vì thế mà nhắm mắt bỏ qua!
Lì xì
Khi đến chơi nhà người khác, nếu trong nhà có cháu nhỏ thì người Việt có phong tục tặng tiền mừng tuổi để trong phong bì lì xì màu đỏ cùng với những lời chúc Tết tốt đẹp dành cho các cháu, giống như phong tục tặng tiền bái lạy năm mới ở Hàn Quốc.
Phong tục tặng tiền mừng tuổi này rất quan trọng. Vào sáng mùng một Tết Nguyên Đán, sau khi làm lễ cúng và ăn cơm cúng xong, tất thảy con cháu trong gia đình người Hàn sẽ cùng quỳ gối, chắp hai tay lên trán và cúi rạp người xuống đất làm lễ bái trước ông bà cha mẹ. Sau đó họ sẽ đến thăm nhà những người thân trong gia đình, làm lễ bái trước những người lớn tuổi và sau đó nhận tiền mừng tuổi.
Cũng vậy, khi có khách lớn tuổi đến nhà chơi, con cháu trong nhà cũng phải làm lễ bái chào và được nhận tiền mừng tuổi. Ngoài ra người Hàn còn có phong tục tặng quà Tết khác với người Việt, không phải chỉ tặng quà vào trước Tết mà còn tặng cả trong những ngày Tết Nguyên Đán. Đối với người Việt, trong thời điểm năm mới không có tục lệ tặng quà cho nhau. Tất cả mọi loại quà cáp đều được trao tặng từ hai ba ngày trước Tết Nguyên Đán.
Ông Sim Sang Joon tốt nghiệp Đại học Ngoại Ngữ Hàn Quốc ở Seoul; bảo vệ luận án thạc sĩ tại Mỹ; sang VN từ năm 1993 làm Nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sĩ cấp nhà nước về chuyên ngành lịch sử, bộ môn dân tộc học năm 2001. Sau đó ông tham gia giảng dạy tại Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV và ĐH Hà Nội về các vấn đề văn hóa VN và Hàn Quốc. Tác giả đã sinh sống tại VN 17 năm, là Giám đốc chi nhánh Quỹ Viện trợ quốc tế Hàn Quốc ở VN và Giám đốc điều hành Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt - Hàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét