Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010
Quê hương là bản giao hưởng đầu tiên của Việt Nam
Quê hương (giao hưởng)
Quê hương là bản giao hưởng đầu tiên của Việt Nam[1][2], do nhạc sĩ Hoàng Việt sáng tác. Được sáng tác trong thời gian Hoàng Việt đi du học tại Bulgaria (1958-1964), tác phẩm bao gồm 4 chương, với nội dung nói về cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống quân xâm lược và thống nhất đất nước.
Hoàn cảnh sáng tác
Nhạc sĩ Hoàng Việt (1928-1967) sinh tại Chợ Lớn, từng tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, sau đó tập kết ra Bắc, học tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1958, ông được cử sang học tại Nhạc viện Quốc gia Bulgaria ở Sofia[3]. Tại nơi đây, "những ký ức quê hương" và "trách nhiệm của một công dân" đã giúp ông viết nên bản giao hưởng số 1 mang tên Quê hương, được hoàn thành vào năm 1964 với lời đề tặng "Kính dâng Nam bộ trong cuộc chiến đấu anh dũng chống ngoại xâm"[1]... Tác phẩm đã được biểu diễn trong dịp thi tốt nghiệp Nhạc viện vào năm 1964, lần hai vào cuối năm 1964 và lần ba vào đầu năm 1965 theo chính lời đề nghị của Giám đốc Nhạc viện Sofia. Chính Giám đốc Nhạc viện Sofia đã nhận xét về bản giao hưởng: "Bản giao hưởng của Hoàng Việt không phải là một tác phẩm tốt nghiệp mà thật sự là một tác phẩm lớn của Việt Nam... Đó là một tác phẩm thành công rực rỡ"[2].
Trở về Hà Nội, bản giao hưởng cũng được công diễn vào tháng 3 năm 1965, ít lâu sau đó Hoàng Việt đi vào Nam và qua đời năm 1967. Bản giao hưởng đã đưa ông trở thành một trong những nhạc sĩ đầu tiên đặt nền móng cho âm nhạc giao hưởng Việt Nam[3].
Tác phẩm đã được Dàn nhạc giao hưởng Bulgaria biểu diễn và thu thanh. Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cũng từng biểu diễn tác phẩm nhiều lần[4].
Nội dung
Bản giao hưởng gồm 4 chương, với nhiều hình tượng âm nhạc khác nhau nhưng đều hướng tới một nội dung chung là nói lên cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng. Tác giả đã sử dụng chất liệu từ những bài hát cách mạng và dân ca để làm chủ đề của tác phẩm, "được phát triển nhuần nhuyễn với những cảm xúc sáng tạo bằng bút pháp khá điêu luyện"[2], tạo nên âm hưởng hào hùng.
Chương I
Chương I diễn tả không khí trong những ngày Cách mạng tháng 8 và Kháng chiến chống Pháp, được viết dưới hình thức sonate.
* Phần mở đầu, chủ đề lấy âm hưởng bài Hội nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước, do kèn cor đảm nhiệm.
* Chủ đề 1, mang tính hành khúc, lấy âm điệu từ bài Lên đàng (Lưu Hữu Phước), do toàn dàn nhạc chơi.
* Chủ đề 2, lấy câu nhạc đầu tiên từ bài Nam bộ kháng chiến (Tạ Thanh Sơn).
* Phần coda của chương 1, có sự kết hợp của Lên đàng và Nam bộ kháng chiến và phần dạo đầu bài Chiến thắng Điện Biên (Đỗ Nhuận), để thể hiện ngày kháng chiến thắng lợi.
Chương II - Andantino Pastorale
Chương II mang tính chất trữ tình, miêu tả quê hương trong những ngày hòa bình lập lại. Được viết dưới hình thức ronto, có cấu trúc A - B - A1 - C - A - D - A - Coda.
* Chủ đề A mang âm hưởng bài Lên ngàn (Hoàng Việt).
* B, C, D là các épisode (đoạn chen), lấy âm điệu lần lượt từ các bài hát Kỵ binh Việt Nam (Lê Yên), Mùa lúa chín (Hoàng Việt), Cây trúc xinh (dân ca quan họ Bắc Ninh) và Quê tôi giải phóng (Văn Chung). Épisode D mang âm hưởng vui vẻ, sôi động.
* Kết thúc chương, tác giả kết hợp âm điệu ba bài Lên ngàn, Quê tôi giải phóng, Mùa lúa chín dưới hình thức phức điệu.
Chương III - Allegro
Chương III là chương nhanh, kịch tính, nhằm miêu tả cuộc Kháng chiến chống Mỹ. Được viết dưới hình thức sonate, bao gồm 3 chủ đề và hai hình tượng âm nhạc chính:
* Chủ đề 1, mang tính dữ dội, đen tối, với nhiều nốt nhấn nặng nề ở bè trầm và nhiều biến âm, thể hiện hình tượng cái ác.
* Chủ đề 2 biến đổi giai điệu bài Giải phóng miền Nam (Huỳnh Minh Siêng). Chủ đề 3 là âm điệu bài Đợi chờ. Hai chủ đề được xây dựng như hình tượng chính nghĩa, đối lập với chủ đề 1[5].
Trong phần phát triển của chương này, âm nhạc mang tính căng thẳng, kịch tính cao độ để thể hiện cuộc chiến tranh một mất một còn, cuối cùng phần tái hiện của chương mang âm hưởng hai bài Lên đàng và Giải phóng miền Nam để biểu hiện sự thắng lợi.
Chương IV - Largo espressivo
Chương IV là chương chậm, mang âm hưởng vui tươi, rộn rã, thể hiện khung cảnh quê hương thanh bình và niềm vui khi đất nước độc lập. Chương này được xây dựng với hình thức 3 đoạn phức cùng phần coda trang trọng, hoành tráng; có sự tham gia của dàn hợp xướng bên cạnh dàn nhạc giao hưởng.
<
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét