Thuyết nhân quả trớ trêu
TTO - Vào Tuổi Trẻ Online, tôi cứ mãi bị ám ảnh bởi hai bức ảnh, đều được chụp từ những ô ngói được dở ra. Một tấm chụp đôi bàn tay trẻ thơ vẫy kêu cứu, đầy hy vọng trông chờ. Tấm ảnh kia chụp đôi mắt của 2 người già nua, mệt mỏi và tuyệt vọng.
Những đôi mắt lo lắng, khắc khoải dưới mái ngói chờ lực lượng chức năng đến cứu (ảnh chụp tại huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh ngày 17-10) - Ảnh: Văn Định |
Hai tấm ảnh gợi nhiều xúc cảm trong lòng bạn đọc |
Lũ lụt ở miền Trung gần đây hình như không còn là lũ lụt thông thường nữa mà đã thực sự là những cơn đại hồng thuỷ. Con người đang co rúm lại dưới sự thịnh nộ cực độ của thiên nhiên.
Sau trận lũ kinh hoàng năm 2009, nhiều nhà dân ở bờ bắc sông Thạch Hãn bỗng nhiên trở thành triệu phú do gỗ lậu theo nước lũ ào về, vướng lại trong vườn, mắc kẹt lại trên những bãi bồi. Toàn là gỗ có giá trị, súc nào súc nấy to lừng lững. Gỗ lấp đầy ao hồ, khúc sông cạn, cả mấy cái hố bom sâu hoăm hoắm.
Rừng lẽ ra chắn lũ cho đồng bằng thì lại bị cuốn trôi vô vọng và bi thảm. Mùi của gỗ lụt thật kinh khủng, như mang theo cả sự thối rữa của những cánh rừng nguyên sinh đầu nguồn.
Thuyết nhân quả quả là trớ trêu. Có những kẻ phá nát rừng bây giờ đang là những triệu phú, những doanh nhân thành đạt, những mô hình làm ăn giỏi.
Trong lúc đồng bào đang tuyệt vọng đói khát giữa nước lũ thì có thể những kẻ gieo gió vẫn đang ăn chơi thoải mái. Những người dân lam lũ đáng lẽ ra được gặt gái những vụ mùa bội thu thì lại phải gặt bão từ những cơn gió họ không hề gây ra.
Án ngữ ngay đầu làng tôi là một khu rừng quanh năm rậm rịt. Ba tôi lý giải cái tên rú Cấm là có ý ngăn cấm không cho dân chặt cây. Dân làng chỉ được phép vào rú nhặt lá, mót những nhành củi khô. Đến giờ lệ làng vẫn vậy. Dân làng vẫn sợ câu “tham của rừng rưng rưng nước mắt”.
Liệu có thể nói với nhau rằng “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” khi những cánh rừng đầu nguồn bị đã bị đốn trụi, loang lổ; khi những con sông đầu nguồn đã bị khoét tung toé để đãi vàng và ngay cả những rễ cây cũng bị trục lên để làm những bộ bàn ghế cầu kỳ vô cảm?
LÊ THÚY HẰNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét