Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

Vinashin và nợ công

Vinashin và nợ công

23/10/2010 0:51
ĐB Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 22.10 - Ảnh: L.Q.P
Báo cáo của Chính phủ về Vinashin và sự trả lời của Thanh tra Chính phủ về chuyện xem xét trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm của Vinashin dường như chưa làm thỏa mãn ĐBQH.

Trong phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội sáng 22.10, rất nhiều câu hỏi tiếp tục được đặt ra xoay quanh chủ đề này và câu hỏi lớn nhất vẫn là chuyện trách nhiệm.

Cần có chế tài ngay cả đối với đoàn thanh tra

“Chúng tôi nhận được những thông tin, số liệu đáng tin cậy từ phía các ngân hàng liên quan đến Vinashin, khẳng định rằng số nợ của tập đoàn này lên tới 120 ngàn tỉ đồng, không chỉ là 86 ngàn tỉ đồng như báo cáo. ĐBQH sẽ đề nghị Chính phủ giải trình rõ ràng về sự chênh lệch số liệu này và khẳng định công khai trước QH” - ĐB Lê Quang Bình, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh của QH

Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), việc quản lý vốn của Nhà nước qua vụ việc Vinashin rõ ràng có sự buông lỏng, quan liêu, cần thẩm định lại năng lực nghiệp vụ trong công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát đối với những vấn đề về sai phạm được phản ánh từ cơ sở lên cấp trên, đồng thời, có chế tài rõ ràng ngay cả đối với đoàn thanh tra sau khi đã tiến hành xác minh mà vẫn xảy ra vụ việc tiêu cực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế, tạo dư luận xấu trong xã hội.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cũng lên tiếng: Tại sao Vinashin để xảy ra lỗ vốn lớn như vậy mà vẫn được rót thêm vốn? Ông Thuyết cho rằng: “Quyết định của Chính phủ đồng nghĩa với việc chúng ta tiếp tục bao cấp cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Điều đó thể hiện việc chúng ta đang mắc bệnh ngẫu hứng, và có thể dẫn tới những Vinashin khác trong tương lai”.

Đem đến phiên thảo luận những bức xúc của cử tri về sai phạm Vinashin, ĐB Ngô Minh Hồng (TP.HCM) cho rằng, vấn đề Vinashin có câu chuyện cơ chế cha chung không ai khóc, nhưng có vấn đề dư luận không hiểu và ĐBQH không thông là cách đây mấy năm, Chính phủ vay bảo lãnh 700 triệu USD cho Vinashin, cuối cùng, hậu quả ngân sách phải gánh chịu nhưng chúng ta chưa có giải trình rõ ràng với người đóng thuế. Nhân dân muốn biết rõ vì sao để nguồn lực Nhà nước rơi rớt như vậy? Ngoài tắc trách ra, có gì khuất tất trong đó không, có rút ruột không?

Vẫn cách phát biểu thẳng thắn thường thấy, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh của QH, ông Lê Quang Bình không ngại đưa ra thông tin: “Chúng tôi nhận được những thông tin, số liệu đáng tin cậy từ phía các ngân hàng liên quan đến Vinashin, khẳng định rằng số nợ của tập đoàn này lên tới 120 ngàn tỉ đồng, không chỉ là 86 ngàn tỉ đồng như báo cáo. ĐBQH sẽ đề nghị Chính phủ giải trình rõ ràng về sự chênh lệch số liệu này và khẳng định công khai trước QH”.

“Tháng 11 sẽ có một Vinashin mới”

Trả lời phỏng vấn bên hành lang phiên thảo luận tổ sáng 22.10 về kết quả tái cơ cấu Vinashin cũng như mối lo lớn nhất hiện nay cần giải quyết về tập đoàn này, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết:

Với tiến độ này, trong tháng này, chậm lắm là đầu tháng 11.2010, chúng ta sẽ ra một Vinashin mới. Vinashin mới ngành nghề chính ngoài đóng tàu còn phát triển thêm ngành nghề phụ trợ, đi theo đó là hệ thống đào tạo đội ngũ đóng tàu chuyên nghiệp, để rồi mục tiêu cuối cùng là tạo ra một ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam. Khó khăn lớn nhất trong việc tái cơ cấu Vinashin hiện nay là tính mất cân đối của nó rất nghiêm trọng nên cùng lúc phải giải quyết ba việc: thứ nhất phải ổn định sản xuất, thứ hai thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý, thứ ba là nợ nần có cái đến hạn phải tính, phải đàm phán với chủ nợ không đơn giản. Ba yếu tố này phải giải quyết một cách đồng thời, chỉnh đốn lại đội ngũ, sửa đổi lại quản trị, thay đổi mô hình hoạt động của nó. Rồi cũng phải rút kinh nghiệm những vấn đề quản lý nhà nước, thanh tra thế nào, kiểm tra thế nào, giám sát thế nào, quản lý chủ sở hữu ra sao. Khi phân cấp quá rộng cho Vinashin thì đưa tay mình với xuống không chặt.

Bảo Cầm (ghi)

Cũng theo ông Bình, chúng ta đã có Luật Cán bộ công chức quy định về chức năng, thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, cách chức người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Vậy khi Thủ tướng không đồng ý cho Vinashin mua tàu Hoa Sen nhưng cấp dưới vẫn làm vì sao không kiểm điểm nghiêm túc, kỷ luật? “Trách nhiệm của bộ chủ quản (Bộ Giao thông vận tải) và cơ quan chuyên ngành (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong vấn đề này đến đâu?”, ông Bình đặt câu hỏi.

Bức xúc trước sai phạm của Vinashin, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thậm chí còn đề nghị: “Những cá nhân liên quan đến vụ việc này phải từ chức và nên coi đây là một cơ hội để thể hiện văn hóa từ chức".

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khi phát biểu thừa nhận: “Bộ có trách nhiệm một phần trong vấn đề này khi không kiên quyết bảo vệ quan điểm trong việc tham mưu cho Chính phủ về việc không đồng tình với chủ trương mở rộng, hoạt động đa ngành, đa nghề của Vinashin”. Tuy nhiên, ông Phúc viện dẫn thêm lý do “sơ hở lớn trong Luật Doanh nghiệp nhà nước là có cơ chế cho phép HĐQT tập đoàn, tổng công ty nhà nước được quyền quyết định đầu tư dự án có giá trị bằng 50% tổng giá trị tài sản của tập đoàn, dẫn tới việc đầu tư lớn, ồ ạt, thiếu quy hoạch và không kiểm soát tốt nguồn vốn”.

Không thể khẳng định nợ công 56,7% trong ngưỡng an toàn

“Không thể so sánh Việt Nam với Mỹ hay Nhật Bản để khẳng định rằng nợ công của ta với 56,7% GDP vẫn trong ngưỡng an toàn”, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nói thẳng trong buổi thảo luận tổ chiều 22.10 về vấn đề ngân sách. Theo ĐB Thuyết, điều đáng nguy hiểm là: “Chúng ta đang mắc bệnh chạy theo tăng trưởng GDP, vốn bao gồm cả nợ công (trên 56% GDP) và đầu tư nước ngoài”. “Từ QH khóa XI, khi thông báo nợ công ở mức trên 30%, chúng ta cũng nói là an toàn; khi nào trên 50% mới là đáng báo động. Bây giờ 56,7% vẫn nói trong ngưỡng an toàn thì giới hạn nào là ngoài mức an toàn? Huống hồ, báo cáo của chính phủ không có đề cập phương án chi trả nợ như thế nào trong khi tới đây có thể tiếp tục đặt vấn đề vay nợ nước ngoài tiếp”, ông Thuyết không giấu được lo lắng. Ông Thuyết đề nghị Chính phủ cần thiết phải có báo cáo về vấn đề này, ngay trong kỳ họp hoặc ở kỳ họp cuối, trả lời rõ ràng: Vay ai? Vay làm gì? Trả nợ như thế nào? Trong thời hạn bao lâu?

Chia sẻ nỗi lo này, ĐB Nguyễn Thị Loan (Hà Nội) nhận xét: Rõ ràng vấn đề nợ công chưa được quan tâm đúng mức; cách tính bội chi chưa rõ ràng. Việc vay nợ của các tập đoàn có tính vào bội chi ngân sách hay không? “Vừa qua bài học của Vinashin cho thấy nếu tập đoàn này bị phá sản thì Chính phủ phải can thiệp và chịu trách nhiệm với các khoản vay của tập đoàn. Tôi cho rằng phải đưa các khoản nợ của các tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước khi tính toán bội chi ngân sách”, bà Loan đề xuất.

ĐB Ksor Phước (Gia Lai) còn đề xuất “đã đến lúc phải dừng lại việc phát triển mô hình tập đoàn để Chính phủ có một cuộc tổng kết, hoặc sơ kết toàn diện, đánh giá xem mô hình này hoạt động hiệu quả như thế nào, có phù hợp với nền kinh tế - xã hội Việt Nam hay không, nên xây dựng ở quy mô, phạm vi hoạt động ở những lĩnh vực nào cho hiệu quả”.

Nguyệt Minh - Thành Lương - Tuyết Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét