Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

Romance de Amour

Romance de Amour
Romance. Khúc nhạc đằm thắm làm rung động hàng triệu con tim.
Chia sẻ Facebook Gửi phản hồi
Gửi tin qua E-mail In tin

Romance. Khúc nhạc đằm thắm làm rung động hàng triệu con tim.

Mười tám tuổi, lần đầu tiên, khi bước chân vào giảng đường đại học, tôi được nghe bản Romance de Amour từ một người bạn qua tiếng đàn ghita. Sâu lắng. Giản dị. Mộc mạc. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi.

Mấy tháng sau gặp lại, tiếng đàn đó lại ngân lên vào một chiều mưa gió. Buồn và điêu luyện hơn, nhưng không còn cái cảm xúc ngày nào tôi được nghe. Mê hồn và khắc khoải. Vẳng trong tiếng đàn, tôi nghe lời kể của một câu chuyện tình buồn. Từng giọt đàn như từng giọt mưa rơi ngoài khung cửa. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết ai đã viết ra ca từ đó. Nhưng mỗi lần nghe Romance de Amour, nghĩ đến đoản khúc đó, tôi lại nhớ đến ánh mắt thẳm buồn, diệu vợi và liêu trai của bạn tôi.

Buổi chiều và những cơn mưa lớn đã rơi nhanh trên thành phố.

Em ngồi đây đã bao nhiêu ngày rồi, một mình trong căn gác nhỏ. Dẫu biết gió mưa ngoài kia rất lạnh và lá vàng rơi đầy trên con đường mà chúng mình đã đi qua.

Nước mắt em lặng lẽ rơi như những hạt mưa ngoài song cửa. Và thế là chúng ta đã đi qua một đoạn đời, và em biết anh sẽ chẳng bao giờ trở lại nơi này, bỏ lại mình em với những bụi hoa dại ven đường.

Đêm. Đêm một mình, đêm dài như chưa hề qua. Hàng cây khô sẽ trổ lá đơm hoa khi xuân về. Nhưng em biết, mắt em sẽ chẳng bao giờ làm thắm lại tình yêu của chúng mình.

Ngày đã lên, đêm đã xuống và giông bảo đã qua. Nơi đây lá vàng phủ kín dấu chân anh.

Nhưng, một ngày em yêu anh.

Một ngày em có anh,

Tình yêu đó, là thiên thu!

CT

Có nhiều người thường hiểu Romance chỉ là bản tình ca nhưng không hẳn như vậy, tình ca chỉ là một khía cạnh trong nghệ thuật Romance vô cùng phong phú và đa dạng.

Và nếu các bạn thấy hứng thú và muốn tìm hiểu để cảm nhận về Romance, bạn hãy đến với bài viết mà chúng tôi đã sưu tầm được đăng trên Văn hóa Thể thao - 27/7/1999.

“Romance - đôi khi còn mang tên gọi "Ca khúc nghệ thuật" là một thể loại âm nhạc hòa tấu thính phòng dành cho giọng ca và bè đệm đàn. Thuật ngữ này xuất hiện ở Tây Ban Nha thoạt đầu mang ý nghĩa "Bài hát thế tục" được sáng tác bằng tiếng Tây Ban Nha để phân biệt với các ca khúc Tôn giáo bằng tiếng Latinh. Dần dần, ngôn từ Romance được phổ biến, phát triển rộng rãi ra ngoài biên giới Tây Ban Nha và trở thành tên gọi cho một thể loại thơ ca trữ tình và một thể loại âm nhạc dành cho giọng ca. Trong âm nhạc Pháp thế kỷ 18, Romance đồng nghĩa với "Chanson" - đơn giản là một bài hát không cần bè đệm đàn. Thời gian sau đó, ngôn từ này được hiểu đồng nghĩa với "giai điệu" và chỉ đến đầu thế kỷ 19, Romance mới được khẳng định như thể loại ca khúc nghệ thuật hàn lâm, nhất thiết phải có phần đệm.

Tính chất âm nhạc của Romance vô cùng phong phú, xen kẽ cùng với những bản nhạc trữ tình đặc trưng cho thể loại âm nhạc này là những bản nhạc mang tính chất vui nhộn, chất anh hùng ca ... ở Romance, các đường giai điệu thường tinh tế, tỷ mỉ hơn ở các tác phẩm này thường được sáng tác dựa trên thơ ca. Âm nhạc không chỉ biểu hiện tính chất chung của đoạn thơ hay cấu trúc của khổ thơ mà còn phải biểu hiện rõ hình ảnh, đường nét phát triển của nhịp điệu, ngữ điệu. Trong Romance, bè đệm đóng vai trò biểu cảm vô cùng quan trọng như một nhân tố cấu thành bình đẳng trong hòa tấu thính phòng chứ không đơn thuần chỉ là bè phụ họa cho giọng ca. Từ đây đã sinh ra một số thể loại có gốc Romance như Ballade, Elegie, Barcarolla, Romance theo các nhịp của vũ điệu như Menuete ...

Romance như thể loại tổng hợp giữa thơ ca và âm nhạc đã trải qua quá trình phát triển đa dạng và phong phú bắt đầu từ nửa sau thế kỷ 18, trong sự nghiệp sáng tạo của các nhạc sĩ trường phái Đức - Agrikola, E.Bach và trường phái Pháp - Méhul, Berton, Dalayrac. Sang thế kỷ 19, trong sáng tạo nghệ thuật của các nhạc sĩ thuộc trường phái âm nhạc lãng mạn, Romance trở thành một trong những thể loại hàng đầu biểu hiện một cách đặc sắc những trào lưu của thời đại - đó là xu thế hướng nội nhằm biểu hiện những chiều sâu tinh tế nhất của tâm hồn con người đồng thời kết hợp và phát huy những tinh hoa quý báu nhất của dân ca. Từ đây, giá trị nghệ thuật của Romance không ngừng được nâng cao đặc biệt trong sự nghiệp sáng tạo của các nhạc sĩ trường phái Đức - áo: Schubert, Schuman Bramhs, Wolf, trường phái Pháp: Berlioz, Gounod, Bizet, Massenet và trường phái Nga: Glinka, Tchaikovsky, Rachmaninov.

Cùng với các tác phẩm Romance kinh điển mẫu mực mang nội dung trữ tình, nửa sau thế kỷ 19 đã xuất hiện các bản Romance mang tính chất dân dã dành cho ca hát đại chúng có phong cách gần gũi với ca khúc thường nhật. Hai khía cạnh này của Romance không tách biệt và đôi khi được kết hợp nhuần nhuyễn trong sáng tạo của các nhạc sĩ như Alyabev, Varlamov mà vẫn không mất đi ý nghĩa nghệ thuật cao của loại hình này. Điều đáng chú ý là lịch sử phát triển Romance liên quan mật thiết đến lịch sử phát triển thơ ca. Cụ thể là các bản tình ca bất hủ của Schuman với Heine, Glinka với Puskin và Tchaikovsky với Tolstoi. Trong sự phát triển của nghệ thật Romance thế kỷ 19, các nhạc sĩ đặc biệt chú trọng đến tính chất hát nói. Các bản Romance của Tchaikovsky và Rachmaninov đôi khi gần gũi với thể loại Aria trong Opera với sự phát triển kịch tính giao hưởng mang quy mô lớn. Một hướng đi khác của thể loại này ở chỗ, các nhạc sĩ thường tập hợp các bản Romance thành tổ khúc thanh nhạc lớn, trong đó bao hàm các ý tưởng và chủ đề âm nhạc vô cùng đa dạng thường mang tính chất tương phản rõ rệt - những điều khó có thể đạt được nếu chỉ sáng tác trong phạm vi một bản Romance. Từ đây đã hình thành nên thể loại. Tổ khúc thanh nhạc gắn liền với tên tuổi những nhạc sĩ tiên phong - Beethoven (Đến với người yêu dấu phương xa 1816), Schubert (Cô thợ xay xinh đẹp 1923. con đường mùa đông 1827) và nhiều nhạc sĩ khác.

Sang thế kỷ 20, ngay từ những thập kỷ đầu tiên, nghệ thuật Romance đã tạo nên bức tranh phát triển phức tạp. Song song với việc phát huy những truyền thống tốt đẹp của thế kỷ 19, các nhạc sĩ luôn cố gắng tìm tòi những phương thức sáng tạo mới. Mỗi tác phẩm là một cách xử lý riêng biệt không lặp lại trong sự kết hợp giữa âm nhạc và thơ ca. Từ đây hình thành nên loại hình mới của Romance có tên gọi "thơ với âm nhạc" đặc biệt rõ nét trong sáng tạo của Debussy (năm bài thơ của Baudelaire) và prokofiev (Năm bài thơ của Achmatov). Dựa trên thẩm mỹ âm nhạc mới, các nhạc sĩ cố gắng để cho Romance gần gũi đến mức tối đa với ngữ điệu tự nhiên của ngôn ngữ. Chính vì vậy nên họ thường tìm đến các thể thơ tự do, thậm chí cả văn xuôi (những bài ca Bilitis của Debussy, Con vịt xấu xí của Prokofiev). Nhưng có lẽ bước đột phá táo bạo nhất theo phong cách hát nói phải kể đến tổ khúc Pierrot Lunaire Lunaire của Schonberg được sáng tác vào năm 1912. Mặt khác, nghệ thuật Romance thế kỷ 20 đặc biệt đề cao vai trò của bè đệm. Bè piano chưa bao giờ mang tính chất độc lập với hình tượng sắc nét như trong các tác phẩm của Debussy và Rachmaninov, chính vì vậy nên các tác phẩm kiển này còn mang tên gọi Ramance - Prelude. Một khía cạnh quan trọng khác, đó là Romance mang ảnh hưởng của dân ca như trong các tác phẩm của Stavinsky, Ravel và De Falla. Mặc dù nghệ thuật Romance thế kỷ 20 đạt được nhiều nhiều thành tựu mới nhưng cũng không biện hộ được cho một số khía cạnh làm mất đi tính chất đại chúng vốn đặc trưng cho thể loại này. Từ giữa thế kỷ 19, Romance đã được mở rộng thành phần biểu diễn đánh dấu sự ra đời của các tổ khúc Romance cho vài giọng ca hoặc cho một giọng ca với bè đệm gồm nhiều loại nhạc cụ. Điều này làm cho tổ khúc thanh nhạc gần gũi với Kantate và các tác phẩm giao hưởng hợp xướng. Tổ khúc kiểu mới này đã trở thành tinh hoa âm nhạc thế kỷ 20 trong sự nghiệp sáng tạo của Bulez, Britten, Prokofiev, Schostakovich, Sviridov và nhiều nhạc sĩ khác.

Trong âm nhạc hàn lâm của nước ta hiện nay, thể loại Romance - ca khúc nghệ thuật ngày càng thu hút sự chú ý của nhiều thế hệ nhạc sĩ. Một số ca khúc nghệ thuật có giá trị đã chiếm các vị trí xứng đáng trong Giải thưởng âm nhạc 1998 vừa qua của Hội Nhạc sĩ VN. Hy vọng trong tương lai không xa, chúng ta sẽ có nhiều ca khúc nghệ thuật hay phản ánh đặc sắc đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc.”

  • Don't Cry Jony

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét