Không biết đã bao nhiêu lần tôi nghe giai điệu của Serenade. Giai điệu chậm trôi như từng sợi hoàng hôn buông thả nhẹ nhàng khi màu đêm đang dần buông xuống. Có chút gì đó như lắng đọng vô hình. Một nỗi buồn vô cớ bỗng chợt xâm chiếm lấy tâm hồn, dẫu cho ngay cả lúc đôi mắt trong màu bình yên. Từng tiếng réo rắt của âm đàn Violin như thôi miên người nghe vào một buổi chiều xa lắc, một buổi chiều như hiện hữu bỗng chốc hoá xa xăm...
Trong âm nhạc, Serenade được biết đến như các sáng tác hoặc một hình thức mang tính biểu diễn. Vào thời kỳ âm nhạc cổ điển thịnh hành, Serenade là những bản nhạc được biểu diễn dưới những buổi chiều tà, thường được cất lên giai điệu dưới những khung cửa sổ dành riêng cho người tình hoặc bạn bè. Thói quen ấy bắt đầu vào thời kỳ Phục Hưng cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại ở một số nơi trên đất Châu Âu.
Khi tôi muốn ca hát về tình yêu thì tình yêu lại biến thành đau khổ Nhưng khi tôi chỉ muốn hát về đau khổ thì đau khổ lại hoá thành tình yêu
(Franz Schubert) Tính thịnh hành của Serenade trong lịch sử âm nhạc là sáng tác dành cho những dàn hoà tấu lớn. Đã có rất nhiều nhạc sĩ thiên tài sáng tác về thể loại Serenade như Tchaikovsky, Josef Suk viết dành riêng cho nhạc cụ dây. Richard Strauss, Max Reger, Edward Elgar, Jean Sibelius… viết Serenade theo dòng lãng mạn . Có thể kể đến những bản Serenade nổi tiếng như Serenade cho Tenor, tù và và đàn dây của Benjamin Britten, Serenade cho Piano của Stravinsky, Serenade cho kèn Baritone và tốp ca của Arnold Schoenberg. Nhưng có thể nói bản Serenade phổ biến và nổi tiếng nhất, đi sâu, lắng đọng trong lòng người yêu âm nhạc là bản Serenade của Franz Schubert được viết vào năm 1826. Thời gian trôi qua nhưng bản Serenade ấy vẫn bất tử, vẫn lay đọng mãnh liệt với mỗi người khi lắng nghe.
Đó là nguyên bản của Serenade bằng tiếng Đức . Người nghệ sĩ với cuộc đời mỏng manh, ngắn ngủi ấy mang theo một vết thương khắc dấu trong trái tim mình nhưng vẫn bỏng cháy khao khát cuộc sống, khao khát yêu thương. Serenade với sự dung dị nhưng siêu phàm, giản đơn nhưng đằm thắm. Khúc dạo đầu bằng tiếng Violin mang Serenade chợt uốn cong lên rồi rơi xuống tận cùng của tâm hồn. Những tiết tấu nhảy lên cao trào cùng với phần đệm hoà âm đầy xao động. Khi tiếng hát ngân lên cất tiếng gọi người tình, nhạc dâng lên cao rồi chìm sâu xao xuyến trong nỗi sầu muộn khôn nguôi. Nhưng đâu đó vẫn thảng hoặc niềm hy vọng, hy vọng ngay trong niềm tuyệt vọng, trong sáng nhưng mãnh liệt, nồng nàn mà thiết tha.
(Ảnh: Tác giả st) Tôi thích hơn cả khi được lắng nghe Serenade cất lên với âm chủ Violin và phần nhạc đệm Piano. Bởi giản đơn khi ấy tôi được thả hồn với nỗi buồn, với những buổi chiều theo trí tưởng tượng. Và có lẽ tiếng Violin mới có thể chuyển tải đầy đủ hết được hồn của Serenade, cứ chậm buồn, cứ vang vọng, cứ da diết, cứ dần buông như ánh nắng cuối ngày rải trải lên màu lá, chút bâng khuâng cứ lay lắt hồn người. Bởi khúc nhạc không lời nên không gian chợt mênh mông im vắng. Và cũng vì không lời nên âm điệu huyền ảo, lắng đọng hơn... Tuy nhiên cùng với dòng chảy của thời gian , cùng với sự bất tử của mình . Serenade được chuyển nghĩa qua nhiều ngôn ngữ , và được chuyển thể thành muôn vẻ những câu chuyện tình khác nhau. Và một trong những chuyển thể ấy tôi tìm thấy sự đồng cảm cho riêng mình. Khi nhạc sĩ Phạm Duy viết lời trên nền nhạc Serenade , chút lãng mạn và không gian của một buổi chiều xa xưa chợt nhiên tái hiện...
Đợi chờ em , anh ngỏ lời ước nguyện Đến bên em khi chiều buông Cảnh rừng vắng , nơi rừng chiều lắng Tiếng ca yêu đương đang chờ mong Kìa trong lá , thoáng nghe lời thì thầm Chim làm xao xuyến trăng thanh Chim làm rung trái tim anh Nào ai thấy , ai nghe được nào ! Tình ta hoà trong ánh trăng sao Yêu… lòng ta đến tìm nhau
Một không gian chờ đợi, một con tim chờ đợi, một tình yêu khao khát nỗi chờ mong. Lời ước nguyện hình như vẫn chìm sâu hun hút, vẵn im vắng như chưa từng được thốt lên. Tình yêu và nhịp đập yêu thương của trái tim hẳn nhiên cũng như cảnh rừng vắng, chất chứa khôn nguôi những điều không thể nói. Nhưng tiếng nói của tình yêu đâu hẳn cứ phải bật thốt thành lời, khi mà tình yêu đơn giản là những điều không thể nói. Hãy cứ để lời nhắn gửi ấy được tan vào không gian, tan vào thời gian , tan vào nỗi chờ mong, tan vào tiếng lao xao của lá non thì thầm xao xuyến. Đến một lúc nào tình yêu như dẫn lối hai tâm hồn hoà tiếng gọi tìm nhau trên lối vắng hẹn hò.
Để lòng anh vỗ cánh vút bay lên Người yêu hỡi có hay… Trái tim anh đang như biển dâng sóng trào Hỡi nàng xuân ngát thương yêu Anh chờ em hát cùng anh Khúc ca ban chiều...
Lời ca vút cao lên như tình yêu chắp cánh, thăng hoa theo từng cung bậc trào dâng. Chỉ có tình yêu mãnh liệt và mênh mông như đại dương mới có thể miên man dâng trào như chưa từng mỏi mệt. Chỉ có thể như mùa xuân mới thẳm xanh một tình yêu tận cùng mướt mát, tận cùng đam mê, tận cùng sống, tận cùng niềm hy vọng. Và cũng chỉ có tình yêu, sự khắc khoải mới có thể miên man từng câu hỏi “Người yêu hỡi có hay …”
(Ảnh: Tác giả st) Câu hỏi ấy chảy dài như vô tận cho đến khi nào “người yêu“ biết đến mới thôi. Như từng đợt gió, từng đợt nắng, từng cánh chim… chạm vào bóng tối. Để niềm thương yêu, nỗi nhớ nhung da diết hoá thân vút lên và lặng xuống như Khúc ca ban chiều, chầm chậm buông khi ánh ngày đang tắt. Như con tim tìm thấy được con tim. Như đôi lứa tìm thấy nhau trong mòn mỏi đợi chờ
Có nhiều khi người nghệ sĩ viết nên một tác phẩm vĩ đại chỉ trong một thoáng giây. Bởi vào tích tắc thời gian ấy tâm hồn người nghệ sĩ đã nhập thể vào tiếng gọi rung động và hình dáng của thiên tài. Franz Schubert cũng vậy, theo Von Hellborn người viết về cuộc đời của Schubert, bản Serenade này ra đời vào một ngày Chủ Nhật năm 1826. Khi ấy, Schubert cùng một vài người bạn từ Potzleinsdorf trở về thành phố. Đi qua Wahring, ông thấy bạn mình là Tieze đang ngồi bên chiếc bàn trong khu vườn của Zum Biersack. Trước mặt Tieze là một cuốn sách, và Schubert lật lướt qua nó. Đột nhiên, ông dừng lại, chỉ vào một bài thơ, nói như reo lên: "Một giai điệu tuyệt vời vừa vang lên trong đầu tôi, giá mà tôi có giấy chép nhạc bây giờ". Herr Doppler liền vẽ một vài khuông nhạc trên mặt sau tờ hóa đơn, và trong sự huyên náo của quán ăn ngày Chủ nhật, giữa tiếng dao nĩa, giữa những người bồi bàn hối hả chạy qua lại, Schubert đã viết nên bản Serenade bất hủ của mình . Và cho những tâm hồn người đang và mãi rung động , thổn thức trước tình yêu... |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét