Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

HÁT ĐÚM Ở THUỶ NGUYÊN -HẢI PHÒNG

Hội làng bên bến sông Rừng

Díu dan câu đúm lừng chừng bước chân

Đồng quê đang biếc lúa xuân

Cầm tay anh nắn... bâng khuâng bến chờ...

Hẹn hò dang dở câu thơ

Lời mềm mà buộc đến giờ. Lạ chưa?

Dùng dằng giã bạn... ngẩn ngơ

Để chiều ướt tím con đò sông quê

Nghiêng nghiêng vành nón trăng thề

Giếng làng em múc chiều về nắng buông

Vọng nghe giọng hát yêu thương

Nao nao sóng nước vương vương nỗi niềm

Theo câu hát đúm nên duyên

Mà tình neo mãi vào miền sông trăng...

Giống như Hát quan họ Bắc Ninh, hát Dặm ở Nghệ An, hát Đúm ở Thủy Nguyên - Hải Phòng là thể loại hát đối đáp giữa một người nam và một người nữ, còn mọi người ở hội đứng vây xem.

Bao giờ cũng vậy, vào những ngày xuân, sinh hoạt "hát đúm" đã thu hút sự chú ý của đông đảo nhân dân Phả Lễ và các xã lân cận cũng như những người yêu thích nghệ thuật "hát đúm". Từ nhiều ngày trước đó, các chàng trai, cô gái đã tập hợp để cùng nhau luyện tập những làn điệu truyền thống với nhiều bài bản khác nhau. Những canh "hát đúm" có khi kéo dài nhiều ngày mà vẫn đầy sức quyến rũ các chàng trai, cô gái Tổng Phục.

Theo truyền thống, ngày bắt đầu của hội "hát đúm" đồng thời cũng là ngày những cô gái của Tổng Phục bỏ chiếc khăn mỏ quạ bịt mặt trong suốt cả năm. Vì thế, hội "hát đúm" ngày xuân cũng còn là ngày hội mở mặt.

"Hát đúm" thường diễn ra tại đình Phục Lễ, một trong những ngôi đình lớn. Tuy nhiên, cũng có thể diễn ra ở trên đường đi, ngoài cánh đồng khi các tốp trai thanh, gái lịch trong những bộ quần áo truyền thống ngày hội gặp nhau. Họ nắm tay nhau say sưa hát đối những làn điệu giao duyên thể hiện khát vọng về tình yêu đôi lứa thông qua nhiều câu hát ví von mang đậm chất dân gian của vùng quê.

Hát Đúm – Nét đẹp văn hoá truyền thống

Đã từ lâu hàng năm cứ vào ngày mùng 4 đến ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch, tổng Phục lại mở Hội làng. Hội làng đầu xuân có rất nhiều cuộc thi: Thi cỗ bánh, thi dệt cửi, thi đánh đu, đánh vật, đánh cờ...nhưng cuốn hút nhất vẫn là thi hát Đúm. Đây là lễ hội có truyền thống từ xa xưa và được duy trì đến tận hôm nay trong niềm đam mê không chỉ của các nghệ nhân có tuổi, mà cả ở các cháu thanh, thiếu niên. Không khí sinh hoạt của hình thức văn hóa dân gian "hát đúm" ngày xuân trong tổng thể các sinh hoạt văn hóa nông thôn Việt Nam ngày Tết Nguyên đán.

Hát đúm có từ lâu đời, ngay từ khi tổ tiên họ Đinh xuống vùng bãi bồi ven sông Bạch Đằng để quai đê lấn biển. Tương truyền rằng khi người dân đổ về đây khai hoang lập ấp, trên bến dưới thuyền rất đông. Ban ngày họ lao động vất vả cực nhọc, tối đến trai gái túm năm tụm ba thành từng nhóm để hò hát giao duyên cho khuây khỏa. Thế là thành lệ. Trước đây, thường là sau các vụ gặt hái xong, vào những đêm trăng thanh gió mát, trai gái lại rủ nhau đi hát đúm. Nhưng sau này, chỉ có những ngày tết mới tổ chức. Vì trai làng phải đi làm ăn xa, tết mới về. Còn gái làng thì lam lũ, làm lụng vất vả quanh năm, để bảo vệ sắc đẹp họ phải bịt khăn, nên ngày thường trai gái gặp nhau khó nhận biết, chỉ có ngày hội đi hát người con gái mới mở khăn để bạn hát nhìn thấy dung nhan. Do vậy tập quán hát đúm cũng là tục lệ mở khăn của các cô gái.

Lễ “Mở mặt” tiến hành từ Mồng 2 Tết cho đến khoảng Mồng 10 tháng Giêng bằng một nghi thức giản dị, nhưng trang trọng để khẳng định cô gái được phép tìm người yêu. Còn chủ yếu của lễ “Mở mặt” là trai gái hát đúm (như hát đối đáp) để đôi bên dò tìm ý trung nhân. Các cô gái sau khi được cởi bỏ khăn, cô nào cũng trắng, cũng xinh đẹp “chim sa cá lặn” khiến các chàng trai nhiều vùng quê kéo đến, hát thì ít mà xem mặt các cô là chính. Nhưng nếu muốn lọt mắt xanh các cô, các chàng phải học cách hát, phải hát giỏi may chăng mới được các cô để ý.

Hát đúm kéo dài từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối. Giữa các canh hát, các cô mời trầu nước, tặng vật kỷ niệm cho các chàng để tỏ lòng mến mộ. Chiều, các cô mời các chàng về nhà mình ăn bữa cơm đầu xuân để biết nhà cửa và có sức tiếp tục hát tới khuya. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, cuộc hát đúm kéo dài đến Mồng 10. Qua những buổi hát, nhiều đôi đã kết nhau để cuối năm nên duyên chồng vợ.

Bởi có tục lệ ấy mà các cô gái ở đây cô nào cũng thuộc một số bài hát ví để đi hội gặp các chàng trai mời hát mà mở khăn đối đáp. Hát ví thường chỉ dựa vào hai thể thơ lục bát và song thất lục bát. Tuy không nhiều làn điệu, nhưng lại rất phong phú về đề tài, đòi hỏi người hát phải rất giỏi về đối đáp.

Trong ngày hội “Hát đúm”, tại sân chùa Phục Lễ, nhiều bàn hát đúm mọc lên, mỗi bàn kê hai bộ tràng kỷ đối diện nhau. Giữa bàn để nhiều hộp trầu và khăn tay thêu cành hồng (tặng phẩm). Một bên trai, một bên gái ngồi hai bên dãy tràng kỷ. Mặt nhìn mặt, tay cầm tay. Thường thì cả hai bên trai gái vào hát đều di động để nếu nhỡ một anh hát bí hay bị hỏi, đố, lúng túng không trả lời được thì ra hiệu cho anh kia hát đỡ, gỡ bí cho. Khi hát có nhạc bát âm. Hai bên trai gái đối đáp. Bên nào không đối đáp được là thua. Đây là một hình thức thử tài văn chương, kiến thức của nhau, ướm lời yêu đương "tìm hiểu" bằng nghệ thuật, phải thuộc làu tục ngữ, truyện tích.

Lời hát đúm được xuất khẩu tự nhiên, ứng đối linh hoạt, tùy tình huống mà xử lý. Cũng là những lời xa xôi bóng gió, những gửi gắm nỗi niềm. Những bài hát ví đối đáp rất đa dạng và phong phú. Hai bên nam nữ đố nhau họa về các điển tích như “Từ Thức lên tiên”, “Phan Trần”, “Tống Trân Cúc Hoa”, “Phạm Tải Ngọc Hoa”, nhiều nhất vẫn là đố Kiều. Ngoài điển tích là những bài họa về Hoa, Lá, Cá, Chim… và những gì gần gũi với cuộc sống thường ngày. Ví như bài hát đối Hoa và Lá sau:

Nữ (hát họa bài Hoa):

Em là phận gái nữ nhi.

Vui cùng chúng bạn em đi hội này.

Gặp em anh nắm cổ tay,

Bắt em hát họa để thay lời mừng.

Những là rầy nhớ, mai mong,

Hội xuân nay mới thỏa lòng chúng ta.

Lời quê mộc mạc nôm na

Em xin hát họa bài Hoa anh tường

Muôn hoa đua sắc khoe hương

Để cho ong, bướm vấn vương đi tìm.

Trên rừng hoa mái, hoa sim

Bước xuống dưới ruộng hoa bìm, hoa na

Vào vườn hoa cải, hoa cà.

Hương thơm ngây ngất nõn nà hoa cau.

Hoa bèo trôi giạt nơi đâu?

Trà thơm ai ướp hoa ngâu đợi chờ?

Đêm nằm mơ tưởng hoa mơ.

Phù dung e ấp, lẳng lơ hoa nhài.

Xa quê lại nhớ hoa khoai.

Để hoa xoan rụng nhuộm ai tím lòng.

Lập lòe hoa lựu đơm bông

Thấy người say đắm hoa hồng mà thương

Canh khuya sực nức dạ hương.

Trà mi đâu dễ ngăn đường bướm, ong.

Bạt ngàn hoa lúa trên đồng

Cho mùa tươi tốt nặng bông thóc vàng.

Hè về cho phượng chói chang,

Cho thu nhớ cúc, xuân sang nhớ đào.

Kìa trông hoa gạo trên cao.

Bồng bềnh hoa súng dưới ao cá đùa.

Hướng dương trước gió đung đưa.

Nào ai đi bán hoa mua giữa rừng.

Yểu điệu kìa hoa lộc vừng.

Hoa sen dưới nước đã từng soi gương.

Hoa quỳnh e lệ nở đêm

Năm chầy ngóng đợi thủy tiên giao mùa

Vì hoa bướm đón, ong đưa.

Vì tình đi sớm về trưa đó mà.

Ngẩn ngơ, ngơ ngẩn vì hoa

Gặp đây xin có bài ca tặng người.

Về hoa em đã họa rồi

Lá đâu chàng họa một bài mà nghe.




Nam (hát họa lại bài Lá):

Quê nhà xanh mướt lá tre

Khiến người xa xứ ngóng về đăm đăm.

Đắm đuối vì mắt lá răm

Thương ai khuya sớm chăn tằm lá dâu.

Đêm nằm xào xạc lá cau

Tưởng người xa vắng bấy lâu đã về

Bâng khuâng nhớ những ngày hè,

Canh chua ai nấu lá me nát (mát???) lòng

Nõn nà lá quất, lá hồng

Xanh rờn lá lúa trên đồng làng ta.
Tốt tươi lá mít, lá na.
Bên hồ lá liễu thướt tha buông mành
Lá dong gói bánh chưng xanh.
Lá bàng gội nắng dệt tranh trên đường.
Lá chuối đong gió, đãi sương.
Đã yêu cách trở mười phương vẫn tìm.
Chát lòng lá ổi, lá sim,
Lá bèo trôi dạt, nổi chìm lênh đênh.
Lá đa rụng khắp sân đình.
Cho người nhặt lá tỏ tình, lá ơi!
Canh cua đợi lá mồng tơi.
Tơ hồng là lá giúp người se duyên.
Lá trầu cánh phượng ai têm,
Ăn vào môi thắm, tình thêm mặn nồng,
Tóc ai thơm gội lá bòng
Để hương vương vấn trong lòng cho ai.
Nắng chiều nhuộm tím lá khoai
Phất phơ lá trúc, lá mai đợi chờ.
Thoáng trông lá láng, lá mơ,
Đã làm cho chú cầy tơ giật mình.
Ngẩn ngơ lợn ngắm luống hành,
Con gà tao tác lá chanh mà sầu.
Trên giàn lá bí, lá bầu
Kìa ai giã bạn lên cầu thở than
Tránh xa lá ngón, lá han
Mùa về gói cốm lá sen đậm đà.
Đất trời bát ngát bao la…
Cho ta ngàn lá, ngàn hoa muôn màu.
Lá bùa có ở nơi đâu?
Mà làm mê mệt lòng nhau hỡi người?!
Lá thì anh đã họa rồi.
Chim đâu em họa đôi lời xem sao?



Sau đó người con gái hát họa bài Chim, tiếp theo người con trai họa lại bài Cá. Cứ thế họ đối đáp nhau hết ngày này qua ngày khác kéo dài cho đến tan hội.

Hát đúm vui nhất là hôm hát giã đám. Lúc này họ trao giữ kỷ vật cho nhau, nấn ná đến tận khuya, mà đưa ra toàn những bài hát hay, mới nhất từ nỗi lòng sâu kín của họ. Hôm đó hai bên ít hát đối đáp mà toàn những bài trữ tình, bâng khuâng, lưu luyến… Những yêu đương, thương nhớ, những xa cách, chia ly, những hứa hẹn, đợi chờ và hy vọng… Họ mong đợi mùa hội sau, để lại được say đắm trong tiếng hát của nhau. Qua đó mà nên vợ, nên chồng.

Nghệ thuật hát Đúm

Trong góc tiếp cận về phương diện âm nhạc học thuần túy, "hát đúm" không phức tạp và ở cấp độ cao như hát quan họ Bắc Ninh. Thậm chí, các làn điệu âm nhạc mới chỉ ở cấp độ đầu trong tương quan của các hình thái sinh hoạt âm nhạc dân gian Việt Nam. Nhưng nếu nhìn nhận "hát đúm" trong cách tiếp cận tổng thể một hiện tượng văn hóa dân gian lại là vấn đề không đơn giản, đòi hỏi nhiều trí tuệ của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. "Hát đúm" sinh ra từ chính nhu cầu của người dân lao động, được bao thế hệ nghệ nhân sáng tạo không ngừng qua năm tháng, và đến hôm nay vẫn là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được nhiều người yêu thích nhất ở miền quê này.

Khi nghe hát, nếu trên gương mặt người già dường như bừng lên, ánh lên những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ cùng những canh "hát đúm" say sưa, đằm thắm, mà không ít cặp hát sau đó đã nên vợ, nên chồng. Nếu như các anh chị trung niên đến đây không chỉ thưởng thức những làn điệu dân gian vốn là tài sản vô giá của cha ông để lại, mà còn tâm chí hướng về trách nhiệm bảo tồn cho thế hệ mai sau loại hình văn hóa độc đáo này, thì trên gương mặt của những cô bé, cậu bé là sự đắm chìm trong những làn điệu dân ca, gợi cho chúng ta cảm giác hình như dòng máu đang chảy trong huyết quản của chúng ngoài nhu cầu tiếp nhận ô-xy trong không khí, còn có cả nhu cầu tiếp nhận những âm hưởng dân ca vốn đã vang vọng từ bao đời.

Bài bản của "hát đúm" rất phong phú. Người hát đúm phải hát được nhiều làn điệu như: Cò lả, trống quân, quan họ, sa mạc...Giai điệu gần với hát ví của đồng bằng Bắc Bộ nhưng khác ở chỗ luyến láy, nhấn giọng.. Nét đặc sắc của hát Đúm tổng Phục là ứng khẩu, tùy hứng từ những hoàn cảnh cụ thể nên đòi hỏi người hát phải thông minh, nhanh trí. Trình tự của cuộc hát đúm thường là gặp gỡ, hát chào, hát mừng. hát hỏi, hát mời trầu, hát cưới, kết thúc là hát tiễn, hát ra về. Trong hoàn cảnh cụ thể có thể hát họa, hát mời đsến chơi nhà, hát khuyên nhau đi học, hát đi lính, hát gửi thư...

Hát Đúm tổng Phục Thủy Nguyên - Hải Phòng là sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, loại hình nghệ thuật đặc sắc, góp phần làm phong phú văn hóa dân gian Hải Phòng. Di sản văn hóa ấy cần được kế thừa và phát huy

2 nhận xét:

  1. Mây vụng dại ,gió cũng điên rồ
    Thơ thở hơi - mùa Xuân hấp hối
    Tàn Nguyệt tận canh trở xanh xao
    Gió thâu đêm ngắn dài tuôn giọt lệ

    Thuyền nghiêng neo đợi chờ ai .?
    Dáng đã khuất đi đâu mà vội thế
    Nhân ảnh mờ ,bụi vó câu xa
    Tiếng tiêu vẳng trên sông Hàn lạnh
    ..
    Mây dừng lại gió lặng yên
    Thơ rụng xuống ngàn hoa thất sắc
    Một bầu ruợu ,một trang thơ ,một tim vỡ
    Chảy máu bầm vẫn không giữ đuợc đời nhau
    ..
    Cánh buớm vờn bay nu cuời khô không khốc
    Ai tỉnh ai say giữa ban ngày
    Mộng hóa buớm Trang Du còn mê mãi
    Giấu buổi chia tay ly biệt trên đuờng

    Chén ruơu khật khà - ngậm ngùi dâu bể
    Chiều ngất ngư thuơng nhớ cũng riêng mìn

    Trả lờiXóa